CHUYÊN MỤC GIỚI THIỆU SÁCH, TUYÊN TRUYỀN SÁCH
THÁNG 11
Chủ đề: Tôn sư trọng đạo.
Tên sách: Tôi đi học.
Tác giả: Nguyễn Ngọc Ký.
Thời gian: 05/11/2018.
Địa điểm: Sân trường
Người thực hiện: đ/c Trần Thị Mến
Kính thưa các thầy cô giáo cùng tất cả các em học sinh thân mến!
Ngày 20-11 không chỉ là ngày lễ truyền thống của các nhà giáo mà của cả học sinh và toàn xã hội nhằm phát huy các truyền thống tốt đẹp của nghề dạy học, biểu dương thành tích, tôn vinh những cống hiến của các thầy cô giáo đã dày công dạy dỗ những thế hệ thành người có ích cho xã hội. Ngày 20-11 còn là cơ hội để thắt chặt quan hệ giữa nhà giáo với cha mẹ học sinh, xây dựng tình cảm thầy trò trong sáng, lành mạnh. Ngày 20-11 là ngày để chúng ta tri ân với những người thầy, người cô đáng kính nhất.
Với tấm lòng kính trọng thầy giáo, cô giáo, tôi xin được giới thiệu với các thầy cô và các em hs cuốn sách “Tôi đi học” của nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký do NXB Trẻ ấn hành năm 2014.
Nội dung chính là cuốn tự truyện kể về cuộc đời đầy cảm động của cậu bé Nguyễn Ngọc Ký, đã vượt qua bao khó khăn, bệnh tật để đến ngày hôm nay trở thành nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký.
Ngay từ trang mở đầu, “Tôi đi học” đã dẫn lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết về nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký: “Nguyễn Ngọc Ký là tấm gương vượt khó tuyệt vời. Quý lắm. Đoàn cần nhân rộng để các em học tập. Tuổi thơ Việt Nam bây giờ hơn lúc nào hết cần biết ước mơ, biết phấn đấu, đặc biệt vượt qua chính mình như Nguyễn Ngọc Ký để thành đạt. Có như vậy đất nước ta mới sớm vươn lên sánh vai cùng các cường quốc năm châu như lời Bác Hồ mong muốn”.
Lật giở những trang tiếp theo là những câu chuyện thật cuốn hút chúng ta. Đó là câu chuyện về cậu bé có tên là Ký như: Sau cơn sốt bại liệt (trang 9), Ôi, sao tay Ký lại thế này! (tr. 11), Những ngày tập viết (tr. 22), Món quà bất ngờ (tr. 43), Cuốn sách làm thay đổi ước mơ (tr. 133),…
Càng đọc chúng ta càng hiểu rõ hơn cuộc đời của Nguyễn Ngọc Ký. Chuyện của cậu có thể tóm lược như sau:
Ngay từ lúc sinh ra, cậu đã không gặp may mắn. Sau cơn sốt bại liệt, đôi tay của cậu bé Ký bỗng trở nên “nặng trịch” và “rất khó bảo”. Muốn lấy cái gì ở trên cao, cậu hoàn toàn không đủ sức để giơ lên. Hơn thế, cậu cũng không thể làm những công việc dù là nhẹ nhàng nhất như: cầm được quả cam, hay chơi bắn bi, đánh đáo cùng bạn bè.
Đặc biệt, hàng ngày khi nhìn bạn bè cùng trang lứa đi học, cậu nhất quyết đòi bố mẹ cho em đến lớp. Lúc đầu, cậu như đánh vật với từng con chữ, cậu tập viết chữ bằng miệng, nhưng không được. Cuộc sống của cậu tưởng chừng là bế tắc. Thế nhưng, cậu đã không nản và tập viết bằng đôi bàn chân của mình với nhiều khó khăn và nước mắt. Những ngón chân tóe máu, sưng vù và không chịu nghe theo ý chí của cậu: “Nhiều lúc tôi đã lấy hết sức quặp thật chặt bút chì, cố nắn nót từng nét một, thì cũng nhiều lúc tôi bị chuột rút đến co quắp cả ngón chân” (Trích chương IV - Những ngày tập viết).
Thế rồi, ngày qua ngày. Vượt qua những ngày tháng khổ luyện. Cậu cứ chăm chỉ nhích dần từng chút một và cậu đã thành công. Nguyễn Ngọc Ký không chỉ viết được chữ mà còn làm thủ công, cắt khẩu hiệu, tập bơi… bằng chân.
Đáng nể hơn, trong suốt những năm học phổ thông, năm nào cậu cũng là học sinh giỏi. Năm học 1962-1963, cậu đoạt giải năm trong kỳ thi học sinh giỏi toán toàn miền Bắc, được Bộ trưởng Giáo dục gửi giấy khen. Rồi Nguyễn Ngọc Ký vào đại học và trở thành thầy giáo.
Thật tự hào khi biết được thầy Nguyễn Ngọc Ký vinh dự hai lần được Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu và 4 lần được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Tác giả bắt đầu viết cuốn tự truyện “Tôi đi học” này khi bắt đầu học đại học, học ở khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Những năm tháng trên giảng đường, chàng sinh viên này đã dũng cảm vượt qua bao khó khăn, vượt qua bao thiếu thốn, vượt qua bệnh tật, vượt qua cái đói. Không những thế, anh lại phải tập viết bằng chân, phải vượt qua thử thách gấp nhiều lần người khác. Thật sự độc giả rất vui khi cuốn sách ra mắt độc giả lần đầu năm 1970, với tên gọi Những năm tháng không quên, khi đó ông cũng vừa tốt nghiệp đại học. Không những thế, cuốn sách bỗng chốc trở thành “Cẩm nang” không thể thiếu của nhiều thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam lúc bấy giờ.
Để có thể giảng bài với đôi tay tật nguyền, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký đã cải tiến, sáng tạo ra nhiều phương pháp, cách thức dạy học mới phù hợp với từng lứa tuổi các em. Đó là việc thầy tự thiết kế các mô hình, dàn bài trên bìa một tờ giấy cứng, bên ngoài có một tờ giấy trắng che lại. Giảng đến đâu, thầy dùng chân kéo tờ giấy che ở bên ngoài xuống, thế là những con chữ xuất hiện. Cùng với đó là giọng giảng sinh động, truyền cảm, thầy đã truyền “lòng say mê” cho biết bao học sinh. Không những thế, trong bất cứ bài học nào, thầy cũng nghĩ ra những câu đố bằng thơ rất độc đáo.
Cứ thế, người thầy tật nguyền nhưng sáng ngời ý chí và nghị lực ấy đã truyền “lửa” cho biết bao thế hệ học sinh.
Tâm sự về nghề nghiệp, thầy nói: “Nhờ nghề giáo mà tôi thực hiện được những ước mơ, hoài bão của mình, tham gia đóng góp được nhiều cho xã hội!”
Trong lần về thăm huyện Hải Hậu, Nam Định, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói:“Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký là đại diện cho sự phấn đấu phi thường và kỳ diệu, là tấm gương sáng cho các bạn trẻ hôm nay, nhất là những người khuyết tật noi theo”. Ngày 20/11/1992, thầy được vinh dự nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Sau 35 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, thầy Nguyễn Ngọc Ký vinh dự được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, đồng thời là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Nguyễn Ngọc Ký quả là một tấm gương sáng ngời về nghị lực vượt lên số phận. Thầy đã chứng minh cho mọi người thấy: một người tật nguyền như thầy vẫn có thể trở thành người có ích cho xã hội. Tên tuổi Nguyễn Ngọc Ký đã được mọi người biết đến với lòng trân trọng, ngưỡng mộ, cảm phục. Mãi mãi, cái tên Nguyễn Ngọc Ký sẽ còn in sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam hôm nay và cả mai sau.
Gần 40 năm qua, cuốn tự truyện “Tôi đi học” được tái bản nhiều lần và luôn được bạn đọc đón nhận, nhiều thế hệ học sinh coi là sách gối đầu giường. Hy vọng, các bạn chúng ta nồng nhiệt truyền tay nhau đọc và học tập tấm gương vượt khó vươn lên của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký.
Xin trân thành cảm ơn sự chú ý lắng nghe của các thầy cô giáo và các em hs. Kính chúc các thầy cô và các em có một tuần thi đua dạy tốt-học tốt
KÝ DUYỆT CỦA BGH
Nguyễn Thị Lam Hồng