An toàn giao thông hiện nay là một trong những vấn đề được xã hội quan tâm sâu sắc. Đó là vì tình hình tai nạn giao thông trên thế giới đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng với việc gia tăng các ca tử vong và thương tích do mất an toàn giao thông. Ở Việt Nam, cùng với sự phát triển của kinh tế, mức sống của người dân được nâng cao đã thúc đẩy số lượng phương tiện cơ giới đường bộ, đặc biệt là mô tô, xe gắn máy gia tăng một cách nhanh chóng. Trong khi đó, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trong những năm qua đã phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của mọi người chưa nghiêm, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn của địa phương còn xảy ra nhiều, mà nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông là do ý thức chấp hành luật Giao thông đường bộ của mọi người còn hạn chế. Các em học sinh có thể là nạn nhân hoặc bản thân các em gây tai nạn cho người khác.Vì vậy, tai nạn giao thông đã trở thành mối hiểm họa của mọi người. Từ đó dẫn đến gia tăng những vấn đề giao thông phức tạp như tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Chính vì vậy, chúng ta, đặc biệt hơn là các em học sinh cần có những hiểu biết đầy đủ về Luật Giao thông.
Tại trường THCS Đặng Xá, các thầy cô giáo đã tích cực giảng dạy cho các em các bài học về luật lệ giao thông. Tiết học đầu tiên của môn Giáo dục công dân là tiết an toàn giao thông. Ngoài ra, trong các tiết sinh hoạt, giáo viên chủ nhiệm cũng lồng ghép vấn đề về việc tuân thủ luật lệ giao thông để các em hiểu và chấp hành theo. Đặc biệt, các em còn được học tập về Luật Giao thông cũng như tự nhận thức được tầm quan trọng của việc chấp hành đúng luật lệ giao thông qua tiết học Mĩ thuật thú vị của cô Dương Thị Oanh. Các em học sinh đã vẽ nhiều bức tranh với nội dung tuyên truyền thực hiện nghiêm chỉnh Luật Giao thông. Dưới đây là một số bức tranh tiêu biểu của các em:
Ngoài ra, gần đây nhất trường THCS Đặng Xá có phối hợp với Head Hà Nội và Đội cảnh sát giao thông tổ chức chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” tại trường. Tham gia chương trình ngoại khoá, các em học sinh được hướng dẫn các nội dung như: cách đội mũ bảo hiểm, ngồi an toàn trên xe máy, các kiến thức về biển báo giao thông, một số quy định về Luật Giao thông đường bộ, trải nghiệm một số trò chơi thú vị tìm hiểu về an toàn giao thông và tham gia thực hành đi xe đạp an toàn ngoài sa hình…
Tất cả những hoạt động trên của nhà trường đều hướng tới việc giúp các em học sinh nắm rõ Luật Giao thông và chấp hành đúng nghiêm chỉnh Luật Giao thông để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Vậy để các em có thể nắm rõ và thực hiện đúng Luật giao thông, nhà trường và gia đình cần phối hợp với nhau để giáo dục các em. Trước hết, để thực hiện mục tiêu “ An toàn giao thông cho học sinh khi đến trường”, toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và cha mẹ học sinh trong toàn trường, hãy thực hiện nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ với mục đích giữ vững trật tự an toàn giao thông, nâng cao chất lượng cuộc sống và vận động thực hiện nếp sống văn minh, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, đồng thời thông qua chương trình này tăng cường công tác tuyên truyền vận động, phổ biến sâu rộng Luật Giao thông đường bộ tới toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh toàn trường, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ trong nhà trường. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ học sinh cùng tìm hiểu, nắm bắt kịp thời các thông tin tuyên truyền về thực trạng tham gia giao thông an toàn để phối hợp với nhà trường thường xuyên giáo dục an toàn giao thông cho con em mình. Chú ý đến nội dung “ Phòng tránh các tình huống giao thông nguy hiểm”. Đặc biệt, hằng năm, nhà trường đều tổ chức cho học sinh kí cam kết an toàn giao thông, học sinh phải thực hiện nghiêm túc các nội dung của bản cam kết và coi đó là khẩu hiệu hành động thiết thực để đảm bảo an toàn giao thông cho chính mình và toàn xã hội. Các bậc cha mẹ học sinh cùng kí cam kết về việc chịu trách nhiệm giáo dục con em mình thực hiện tốt các chủ đề về an toàn giao thông đã nêu trong Bản cam kết. Tiếp theo, trong quá trình thực hiện, nếu học sinh có những vi phạm về quy tắc giao giao thông đường bộ, đề nghị các bậc cha mẹ học sinh cần thông báo ngay cho giáo viên chủ nhiệm được biết để kịp thời phối hợp giáo dục. Sau cùng, trong chương trình giáo dục ngoại khóa về an toàn giao thông, mỗi năm học nhà trường tổ chức các cuộc thi với nội dung “Tìm hiểu về giao thông đường bộ”, “An toàn giao thông học đường”, “An toàn giao thông cho bạn, cho tôi” đề nghị các bậc cha mẹ học sinh quan tâm, tạo điều kiện và phối hợp cùng nhà trường tổ chức đạt hiệu quả các buổi sinh hoạt ngoại khóa.
Có thể thấy, An toàn giao thông hiện nay đang là một vấn đề đang được toàn cầu quan tâm, mỗi quốc gia đều có một chương trình hành động cụ thể, và đối với trường học việc học sinh nắm rõ và chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông là điểu vô cùng cần thiết. Bởi tai nạn do giao thông gây ra là rất lớn, làm thiệt hại đến tiền, của của gia đình, xã hội gây cho con người cuộc sống khó khăn, vất vả cơ cực. Vì vậy, mỗi chúng ta, học sinh, cha mẹ và thầy cô hãy cùng chung tay vận động, tuyên truyền Luật Giao thông tới mọi người để xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ, đất nước giàu mạnh, vững bền.