Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có quyết định phê duyệt danh sách các sản phẩm đoạt giải tại vòng chung khảo cuộc thi xây dựng thiết bị dạy học số lần thứ nhất, năm 2022.
Cuộc thi được phát động đầu tháng 6-2022 nhằm xây dựng, phát triển kho học liệu số về thiết bị dạy học. Các sản phẩm đoạt giải tại cuộc thi bổ sung nguồn tư liệu, thiết bị dạy học có chất lượng, đã được kiểm duyệt để sử dụng trong công tác dạy và học tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là những nơi chưa có điều kiện mua sắm đầy đủ trang thiết bị dạy học.
Sản phẩm tham dự cuộc thi là các thiết bị dạy học được xây dựng/thiết kế/số hóa để sử dụng hoàn toàn hoặc một phần trên môi trường số phục vụ cho công tác dạy và học tại các cơ sở giáo dục phổ thông và thường xuyên.
Cụ thể là: Tư liệu dạy học (bộ tranh ảnh, video clip); phần mềm mô phỏng; thí nghiệm ảo; thiết bị thí nghiệm thực hành được kết nối và có thể tương tác trên máy tính, các sản phẩm có thể sử dụng trên môi trường số…
Có 164 sản phẩm được chọn để trao giải, trong đó thành phố Hà Nội có 16 sản phẩm đoạt giải gồm: 1 giải Nhì, 7 giải Ba, 7 giải Khuyến khích và 1 giải Bình chọn. Tác giả của các sản phẩm này là những giáo viên đang công tác tại các trường học trên địa bàn thành phố.
Trong đó, cô Hoàng Thị Thanh Dung đạt giải ba với sản phẩm: Bản đồ vùng đồng bằng Cửu Long.
Sản phẩm của cô đã mô tả đầy đủ về bản đồ trực tuyến bảo vệ vùng bờ đánh giá tổng thể về bảo vệ vùng bờ theo chiều dài 480 km đường bờ biển của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Việt Nam. Bản đồ chia đường bờ ĐBSCL thành 49 đoạn về bảo vệ bờ biển, phân tích mức độ cấp bách của các biện pháp bảo vệ vùng bờ và giải pháp phù hợp cho từng đoạn – từ giải pháp mềm như phục hồi rừng ngập mặn đến giải pháp cứng như kè chắn sóng hay đê. (Đây là 1 phần của Chương trình ICMP)
Bản đồ cũng đi kèm với video và ảnh tại một đoạn, thông tin về diễn biến đường bờ trong vòng 100 năm qua cũng như các thông tin khác.
Bản đồ dựa trên một số nghiên cứu, khảo sát do Chương trình ICMP thực hiện trong giai đoạn 2011-2016. Thông tin chi tiết có thể tham khảo tại các nghiên cứu cụ thể, đặc biệt báo cáo “Bảo vệ tổng hợp vùng bờ và phục hồi rừng ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long – Nghiên cứu tiền khả thi cho đầu tư và bảo vệ vùng bờ theo chiều dài 480 km ở Đồng bằng sông Cửu Long”, trong đó phân tích điều kiện hiện trường, các hệ thống bảo vệ vùng bờ hiện có tại từng tỉnh ven biển ĐBSCL, và đưa ra kiến nghị đầy đủ các biện pháp bảo vệ vùng bờ và trình tự các bước thực hiện cho các hoạt động đầu tư tiếp theo.
Độ tin cậy của các phân tích của từng đoạn khác nhau. Thông tin cụ thể của từng đoạn có thể tham khảo tại nghiên cứu “Bảo vệ tổng hợp vùng bờ và phục hồi rừng ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long”