Khi đặt chân đến Khu tưởng niệm Truông Bồn đã có rất nhiều các đoàn khách đến thăm. Đứng trước ngôi mộ chung của những TNXP Truông Bồn, tất cả các thế hệ, từ những người trẻ chưa trải qua một ngày chiến tranh như tôi, đến những người đã vào sống ra chết nơi trận mạc xen lẫn trong niềm cảm phục, tự hào là nỗi ngậm ngùi, xót xa. Giá như tháng mười năm ấy không có ngày 31, hẳn các anh các chị đã tiếp tục lứa tuổi mười tám đôi mươi với rất nhiều hứa hẹn. Qua tìm hiểu tài liệu được lưu giữ tại Nhà tưởng niệm tôi đã có dịp hiểu thêm về những ngày chiến đấu kiên cường, dũng cảm của các anh, các chị.
Ngày ấy, các anh, các chị thuộc Tiểu đội 2, Đại đội 317 (do chị Trần Thị Thông làm tiểu đội trưởng) của Tổng đội thanh niên xung phong Nghệ An. Tiểu đội 2 còn được gọi ‘Tiểu đội thép”, “tiểu đội cảm tử”. Do là đơn vị chủ lực nên họ được điều động đi làm trên nhiều tuyến đường. Nhưng đến những năm 1967 – 1968, khi cuộc chiến tranh bước vào giai đoạn ác liệt nhất, họ được lệnh chuyển đến “Tọa độ lửa” Truông Bồn. Nhiệm vụ của họ được ghi rất rõ: Bằng mọi giá, phải giữ được huyết mạch giao thông qua Truông Bồn. Để thực hiện quyết tâm ấy, Đại đội 317 đã phát động chiến dịch 100 ngày đêm đảm bảo mạch máu giao thông. Đơn vị đã chọn cử 14 chiến sĩ làm nhiệm vụ trực chiến 24/24 để quan sát, cảnh báo máy bay Mỹ, đánh dấu vị trí bom nổ chậm để phá bom, san lấp hố bom bảo đảm mặt đường. Họ thường thức trắng đêm với chiếc áo trắng làm “cọc tiêu sống” dẫn hàng ngàn chuyến xe chở hàng vào Nam vượt qua trọng điểm an toàn.
Như chúng ta đã biết, Truông Bồn là một điểm trọng yếu nằm trên tuyến đường 30. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, con đường này có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là nơi duy nhất nối các huyết mạch giao thông: Cột mốc số 0 - điểm khởi đầu của đường mòn HCM (Tân Kỳ, Nghệ An), Quốc lộ 1A, đường 7 để chi viện sức người, sức của của hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến miền Nam. Đây là cung đường chiến lược đặc biệt quan trọng khi các cửa ngõ giao thông khác bị địch phong tỏa.
Năm 1968 thời điểm khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến, địch thất bại nặng nề trên nhiều chiến trường, nên chúng càng điên cuồng leo thang đánh phá miền Bắc nước ta, đặc biệt chúng tập trung sức mạnh không quân, hải quân đánh phá ác liệt 4 tỉnh thuộc khu 4 cũ. Địch phát hiện ra Truông Bồn là yết hầu vận tải trên tuyến đường bộ nên chúng không tiếc bom đạn hủy diệt, hòng cắt đứt hoàn toàn mạch máu giao thông của ta. Trên bầu trời Đô Lương không lúc nào ngừng nghỉ máy bay địch quần lượn, đánh phá. Từng giây từng phút, mỗi ngày mỗi giờ đều xé trời những tiếng đạn bom, loạt bom trước chưa tan, loạt bom sau đã ào ào cày xới. Có ngày cao điểm, không lực Hoa Kỳ điên cuồng đánh phá đến 131 lần, gần 19.000 quả bom các loại đã ném xuống Truông Bồn. Truông Bồn được biết đến như là “túi bom’, là “cửa tử”. Mưa bom bão đạn ác liệt đã hủy diệt hoàn toàn màu xanh của cây cỏ nhưng chưa một phút giây làm nao núng được tinh thần yêu nước, quả cảm của các thanh niên xung phong nơi đây.
Trước ngày 31/10/1968 tiểu đội 2 dự định tổ chức 1 bữa cơm thân mật, bữa cơm mà những người con trai, con gái “tiểu đội thép” gọi đùa: để tạm biệt cuốc xẻng! bởi ngày mai 8 người trong số họ sẽ được trở về quê hương với những kế hoạch riêng cho cuộc đời mình sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 3 năm. Chị Hà Thị Đang, chị Cao Thị Phúc, chị Phan Thị Dung, chị Vũ Thị Hiên, chị Trần Thị Doãn đã cầm trên tay giấy báo nhập học Trung cấp y tế. anh Cao Ngọc Hòa và chị Nguyễn Thị Tâm về quê làm đám cưới. chị Đàm thị Bốn về quê chăm sóc mẹ già neo đơn khi anh trai đã hy sinh ở chiến trường miền Nam. Thế nhưng dự định nhỏ nhoi về 1 bữa cơm ấm tình đồng đội đã vĩnh viễn không trở thành hiện thực.
Đêm cuối cùng nơi tuyến lửa. Đại đội 317 nhận được lệnh của ban chỉ huy tổng đội “phải cấp tốc giải phóng giao thông cho đoàn xe quân sự vượt qua Truông Bồn vào Nam trước khi trời sáng” 5 giờ sáng, tiểu đội 2 có 12 cô gái và 2 chàng trai nhận nhiệm vụ rời hầm để bám đường. Tiểu đội chia ra làm 2 tổ, mỗi tổ 7 người bám lấy 2 bên trục đường làm “cọc tiêu sống”.
Khi công việc đã hoàn thành, có kẻng báo động máy bay địch, các tiểu đội đã kịp rút về hầm trú ẩn. Riêng tiểu đội 2 làm nhiệm vụ trực chiến nên rút về sau cùng. Bất ngờ, một tốp 4 chiếc máy bay Mỹ đã trút xuống hàng trăm quả bom phá. Truông Bồn đã chìm trong biển lửa khói, trời đất rung chuyển, mù mịt... Ngớt tiếng bom, Đại đội TNXP 317, các đơn vị bạn dồn sức đào bới, tìm kiếm các chị, các anh, nhưng chỉ duy nhất chị Trần Thị Thông còn sống sót. 11 cô gái và 2 chàng trai đã vĩnh viễn nằm lại. Thời khắc loạt bom rơi xuống cướp đi sinh mạng của 13 TNXP quả cảm đồng hồ chỉ đúng 6 giờ 10 phút sáng ngày 31/10/1968, chỉ đúng 1 ngày nữa hiệp định ngừng bắn sẽ được ký kết, bầu trời miền Bắc sẽ xanh trong trở lại. Họ đã không kịp bước chân về phía hòa bình. Tất cả đã dừng lại trước ngưỡng cửa cuộc sống.Các anh các chị ra đi, có người còn chưa kịp để lại 1 tấm di ảnh nhưng những hình ảnh cao đẹp ấy đã hóa thân thành tượng đài bất tử, thành đóa hoa nở suốt 4 mùa trên trăm vạn nẻo đường bình yên của quê hương.