Chủ đề: Phụ nữ Việt Nam.
Tên sách: Người mẹ của một thiên tài.
Có ai đó đã từng nói: “Vĩ đại nhất là trái tim của người mẹ”.
Vâng! Trái tim người phụ nữ, tâm hồn của người phụ nữ vốn dĩ được xem là những kỳ quan giá trị trong kho tàng văn hóa nhân loại. Nhà văn Victo Huygo từng nhận xét: “ Bên cạnh ánh sáng lung linh của các vì sao còn có ánh sáng êm dịu và huyền bí của tâm hồn người phụ nữ ”.
Quả thực, người ta yêu quý người phụ nữ như yêu quý điều gì đó rấ thiêng liêng, cao đẹp, Và đặc biệt hơn nữa trong những ngày kỷ niệm dành riêng cho họ thì hình ảnh người phụ nữa càng được mọi người trân trọng, tôn vinh.
Hướng tới chào mừng ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, Thư viện trường THCS Đặng Xá trân trọng gửi tới quý thầy cô giáo và các em học sinh một cuốn sách hay viết về một người phụ nữ mộc mạc, bình dị nhưng đầy trí tuệ và tài năng, người phụ nữ giàu tình thương yêu và sự hy sinh nhưng cũng thật kiên cương … Đó chính là cuốn sách
“Người mẹ của một thiên tài ” của tác giả Chu Trọng Huyến.
Trang bìa cuốn sách được trình bày đơn giản nhưng thật ý nghĩa với hình ảnh một bà mẹ đang tần tảo làm việc nhưng đôi mắt hiền từ vẫn luôn dõi theo chăm sóc cho đứa con nhỏ đang nằm trên chiếc võng. Đó là một hình ảnh đẹp và gần gũi tượng trưng cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, cũng thể hiện được tấm lòng yêu thương dành cho con của tất những người mẹ trên thế giới.
Bên dưới hình ảnh ý nghĩa trên, nổi bật trên nền sách màu vàng là nhan đề của cuốn sách: “Người mẹ của một thiên tài”. Không ít người khi cầm cuốn sách trên tay sẽ không khỏi thắc mắc muốn biết
“Người mẹ” và “Thiên tài” mà cuốn sách kể đến là ai vậy? Vâng! Thiên tài được nói đến ở đây chính là Bác Hồ kính yêu của chúng ta – người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam, một vĩ nhân của thế giới. Và cuốn sách mà tôi muốn giới thiệu kể về “Người mẹ” – người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng con người thiên tài trên. Đó chính là Bà Hoàng Thị Loan.
Là con gái của cụ Hoàng Xuân Đường, bà Hoàng Thị Loan sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống hiếu học và giàu lòng nhân ái. Môi trường tốt đẹp của gia đình cùng với truyền thống văn hóa lâu đời của xứ sở Hồng Lam được Hoàng Thị Loan - cô gái thông minh tiếp thu hình thành những phẩm giá cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam truyền thống: Công, dung, ngôn, hạnh.
Càng lớn lên Hoàng Thị Loan càng xinh đẹp với “gò mũi cao thanh thoát, cặp mắt xanh, tròn, mở to... trở thành một thiếu nữ đoan trang, nhã thiệp” duyên dáng, thùy mị, nết na, ngày ngày chăm chỉ công việc đồng áng, tối đến miệt mài canh cửi, có nhiều chàng trai ngấp nghé tỏ tình. Được cha mẹ giúp đỡ Hoàng Thị Loan đã vượt lên sự ràng buộc của quan niệm đương thời, đem lòng yêu thương cậu Nguyễn Sinh Sắc, nho sinh nghèo, mới lên 4 tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, người được gia đình bà đưa về nhà nuôi cho ăn học.
Cuối năm 1883, Hoàng Thị Loan đã trở thành người vợ trẻ thảo hiền, cần cù, chăm chỉ, hôm sớm lao động, hết mực yêu thương ông, giúp cho chồng học tập, đặng thành đạt trên con đường cử nghiệp. Những tháng ngày vất vả, gian nan trên con đường cử nghiệp của ông Nguyễn Sinh Sắc đều có dấu ấn của người vợ hiền thảo, đảm đang. Bà đã sát cánh bên ông, kiên trì động viên chồng dùi mài kinh sử để đi tới thành công trong cuộc đời thi cử của mình. Ngôi nhà tranh ba gian ghi đậm dấu ấn những tháng ngày vất vả nhưng đầm ấm, hạnh phúc của gia đình bà. Ngày ngày, “Chồng miệt mài kinh sử, thiếp canh cửi đưa thoi”. Để chồng yên tâm học hành, bà Loan không quản ngại khó khăn, vất vả, một nắng hai sương lao động ngoài đồng ruộng, đến bữa về lo cơm nước cho chồng, cho con, tối đến ngồi trên khung cửi, vừa dệt vải, vừa đưa võng ru con ngủ, nhiều đêm thức tới khuya để động viên chồng ôn luyện văn chương, đỡ phần hiu quạnh. Bà không những chỉ tạo ra cơ sở vật chất đơn thuần, mà bà còn là người nối chí, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho chồng.
Hình ảnh người vợ chân đi dép mo cau, vai quẩy đôi gánh, một bên là con nhỏ, một bên là cả gia tài mang theo, vượt qua bao suối, bao đèo giữa những cơn mưa rào, giữa những ngày nắng gắt trên đường vào kinh đô Huế không bao giờ phai mờ trong tâm trí của ông Nguyễn Sinh Sắc. Nếu ảnh hưởng của ông Nguyễn Sinh Sắc đối với các con là nền bác học với một nhân cách yêu nước thương nòi mang đậm tính nhân văn, thì ảnh hưởng từ người mẹ là nền văn hóa dân gian mang đậm truyền thống dân tộc và những phẩm chất của tầng lớp lao động bình dân in đậm trong tình mẫu tử.
“Con ơi, mẹ dặn câu này,
Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm.
Làm người đói sạch rách thơm,
Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền”.
Ngay từ thuở còn nằm trong nôi, những lời ru à ơi ngọt ngào của mẹ của bà, chan chứa tình cảm và giá trị nhân văn sâu sắc đã góp phần tạo nên tâm hồn rộng mở, tấm lòng nhân ái mênh mông của Bác Hồ. Bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền lại vốn hiểu biết văn học dân gian phong phú của mình cho con qua lời ru ấm cúng, mượt mà nên tuổi thơ của các con đã hấp thụ được những tấm gương nghĩa liệt yêu nước, thương nòi, lời ca tiếng hát đã nhen nhóm vào lòng con tình yêu quê hương, đất nước sâu nặng phần nào hình thành ý chí quyết tâm làm nghiệp lớn vì nước vì dân trong tâm hồn cậu bé Nguyễn Sinh Cung. Để rồi khi lớn lên, cậu quyết tâm bôn ba khắp năm châu bốn bể, ra đi tìm đường cứu nước chỉ với một trí tuệ lớn, một tâm hồn trong sáng, cháy bỏng tình yêu quê hương, đất nước và hai bàn tay trắng: “Ru con, con ngủ đi nào/ Cù lao dưỡng dục biết bao cho cùng/ Làm trai quyết chí anh hùng/ Ra tay xây dựng vẫy vùng nước non”.
Bà còn là một tấm gương trong sáng về nhân cách đạo đức cho con cái học tập. Ở đâu bà cũng thể hiện một lối sống vui vẻ, vô tư, có nghĩa, có tình được mọi người hết sức yêu mến và quý trọng. Với tấm lòng nhân hậu và mẫn cảm của người mẹ, bà đã vun trồng, uốn nắn, dạy dỗ con cái bài học đầu tiên về cách sống, về đạo lý làm người. Vì vậy, ngay từ thuở ấu thơ, các con của bà đã biết nói những điều hay, làm những việc tốt, biết kính trọng người trên, biết sống chan hòa với bạn bè, giàu lòng vị tha, nhân ái, biết nhường nhịn mọi người. Là một người có biết ít nhiều chữ thánh hiền, bà Hoàng Thị Loan đã dành rất nhiều tâm sức để truyền thụ cho con những hiểu biết ban đầu về thế giới tự nhiên và xã hội. Tất cả những câu hỏi ngây thơ, ngộ nghĩnh của con đều được bà tìm cách trả lởi rõ ràng, cặn kẽ, dễ hiểu. Là một người mẹ cần cù, chăm chỉ, bà đã dạy cho con biết yêu lao động, biết làm những công việc phù hợp với sức lực và lứa tuổi của mình một cách mê say, chịu khó và sáng tạo, tự lập trong cuộc sống.
Trong sinh hoạt hàng ngày, bà sống rất giản dị, tiết kiệm, sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Bà tập cho con làm những điều tốt và thực tế đã trở thành nếp sống quen thuộc hàng ngày của các con. Nếp sống giản dị thanh tao đó của bà đã được phản ánh rõ ràng trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khi diễn tả khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời bà Hoàng Thị Loan và cũng là câu kết trong tác phẩm của mình, nhà nghiên cứu - nhà văn Chu Trọng Huyến đã viết những dòng đầy xúc động: “Vào một ngày ảm đạm cuối năm Canh Tý (1901)... Người đàn bà bình dị và phi thường mới ba mươi ba tuổi đời ấy đã nhẹ nhàng ra đi, giao lại cho người đời tất cả, trước mắt là những dặm đường”. 33 năm tuy ngắn ngủi nhưng bà đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa và hạnh phúc bên gia đình, đóng góp quan trọng vào những thành công của chồng, của con.
Xin được bày tỏ sự kính trọng và tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với bà Hoàng Thị Loan - người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu nhất, người mẹ vĩ đại đã sinh ra cho đất nước ta Người anh hùng giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh đúng như lời của bài hát:
“Mẹ làng Sen, mẹ làng Sen, Người mẹ Việt Nam đã cho đời người con quang vinh…
Mẹ làng Sen, mẹ làng Sen, Người mẹ Việt Nam đã cho đời người anh hùng Hồ Chí…Minh.”