Tục xin chữ - cho chữ những ngày Tết đến xuân về
Không biết từ bao giờ, cứ chờ đến năm hết, Tết đến, xuân sang, trên khắp phố phường và những vùng quê văn vật khắp mọi miền quê, nhiều những ông Đồ hay chữ, bày nghiên bút, giấy bản nhuộm điều, niềm nở đón người qua đường ghé xuống cầu xin con chữ. Người cho chữ là ông Đồ túc nho và người xin chữ thường là những chủ nhà cầu mong những tin mừng và vận hội mới trong cuộc đời và đặc biệt là những nhà có người theo học, mong được con chữ của Thánh hiền, giáng ứng cho may mắn trong học hành thi cử. Khi xin được câu đối hay con chữ linh thiêng như ý, đem về nhà treo vào nơi trang trọng nhất, linh ứng nhất, dễ ngắm nhìn, để cầu nguyện thành đạt cho cuộc sống và cho học hành thi cử. Điều đó trở thành nét đẹp trong văn hóa học của các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam ta từ nhiều thế kỷ nay, ngày càng được nối tiếp, thừa kế và phát huy đến cao độ.
Năm cũ sắp trôi qua, khi mọi nhà đã sắm sửa được cái tết về vật chất, nồi bánh chưng đang sôi, bàn thờ gia tiên đã mãn quả, ông Táo đang về Trời, trẻ con nô nức pháo hoa áo mới, thì chủ nhà cũng không quên đi xin cho được câu đối - con chữ mang về để đón chào năm mới. Con chữ ngày Tết đến với dân Việt từ lâu, những ghi chép của sử sách không đầy đủ, cách quãng, rất ít được thể hiện, để chúng ta tìm về, hiểu thấu một phong tục không thể vắng thiếu trong sinh hoạt truyền thống của cộng đồng. Cách đây gần trọn một thế kỷ, nhà thơ Vũ Đình Liên, một vị túc Nho, đã từng chứng kiến những ông Đồ cứ Tết đến xuân về bày mực tàu giấy đỏ để cho bàn dân thiên hạ đến xin chữ. Bài thơ Ông Đồ như một hoài niệm vô cùng buồn và nhớ tiếc về ông Đồ từng ngồi cho chữ trên phố cổ, về một phong tục đẹp đã bị mai một bởi trào lưu Tây hóa không gì cưỡng nổi.
Ông Đồ
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Chữ phượng múa rồng bay
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Tục xin chữ - cho chữ truyền thống bị lãng quên gần hết thế kỷ XX nhưng rồi hôm nay Ông Đồ cho chữ, những người xin chữ lại bắt đầu có mặt khắp nơi từ thị thành đến thôn quê. Phong tục cho – xin chữ tái xuất hiện trong đời sống đương đại.
Tục xin chữ - cho chữ đầu năm đã và đang là một nét văn hóa đẹp. Cứ Tết đến xuân về, tại các thành phố lớn trong cả nước, đều có chọn những mạch đất Thánh hiền ngự trị để giành cho người cho chữ và người xin chữ, mà Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội là một điển hình. Sau lễ đưa tiến đưa ông Táo về Trời (23 tháng Chạp), người ta đã rục rịch chuẩn bị mọi thứ cho ngày khai trương, tất nhiên cũng chỉ là chuẩn bị một vài hoạt động cho chữ - xin chữ cho Giao thừa đã được thực hiện; nhưng tất cả phải chờ đến sau Tết, khi mọi nhà đã hoàn tất thủ tục tiễn đưa năm cũ, nghênh đón năm mói. Theo truyền thống dân tộc, lễ đón xuân sang đối với những người con hiếu thảo và học trò hiền là tôn vinh ba bậc: cha-mẹ-thầy, trong ba ngày Tết thì: mùng Một tết Cha - mùng Hai tết Mẹ-mùng Ba tết Thầy. Thế là hết ba ngày Tết một cách nhanh chóng, chung quanh với bậc sinh thành và thầy dạy dỗ.